Bài viết

HỌC CÁCH GÌN GIỮ NĂNG LƯỢNG BÌNH AN

  • Hoàng Thị Thủy

🌸 Cảm giác kiệt sức không phải luôn đến từ việc làm quá nhiều

Có những ngày bạn chẳng làm gì quá nặng nhọc, cũng không có chuyện gì lớn xảy ra, không cãi vã, không tổn thương… nhưng bạn vẫn mệt mỏi đến kiệt quệ.

Thứ khiến chúng ta cạn kiệt không phải lúc nào cũng là khối lượng công việc, mà chính là sự tiêu hao tâm trí cho những điều không thật sự cần thiết.

📌 Cơ chế tâm lý của sự kiệt sức vô hình

Theo nghiên cứu của Roy F. Baumeister và cộng sự (1998) về hiện tượng ego depletion – hay còn gọi là "suy giảm năng lượng tự chủ" – não bộ con người vận hành với một nguồn năng lượng tinh thần giới hạn mỗi ngày. Nguồn năng lượng này được sử dụng để đưa ra quyết định, kiểm soát cảm xúc và điều chỉnh hành vi.

Như vậy, mỗi lần bạn cố gắng nhẫn nhịn, che giấu cảm xúc, hoặc lựa lời để giữ hòa khí, bạn đang tiêu hao chính nguồn năng lượng tinh thần đó. Dù hành vi bên ngoài có vẻ điềm tĩnh, thì bên trong, năng lượng ý chí đang bị "rút dần" một cách âm thầm nhưng rõ rệt.

🌸 Năng lượng tinh thần – tài sản vô hình đáng giá nhất

Bởi lẽ, thời gian chỉ trôi qua – nhưng sự chú ý mới là thứ định hình bạn đang thực sự sống thế nào trong quãng thời gian ấy. Mỗi khoảnh khắc bạn tập trung vào điều gì đó, bạn đang dồn vào đó năng lượng sống, chiều sâu nội tâm và cả phẩm chất tinh thần của chính mình.

Tâm lý học nhận thức hiện đại cũng khẳng định điều này.
🔍 Theo nghiên cứu của GS. Gloria Mark (Đại học California, Irvine), sau mỗi lần bị gián đoạn bởi một yếu tố gây xao nhãng, não bộ cần trung bình 23 phút để quay lại mức độ tập trung như trước đó. Nghĩa là: mỗi lần bạn để sự chú ý trượt khỏi điều thực sự quan trọng, bạn không chỉ mất thời gian – mà còn tiêu hao một phần năng lượng tâm trí rất khó phục hồi.

🌸 Hãy quan sát chính mình, có khi nào bạn đang phân phối sai năng lượng?

Không hẳn là chúng ta kém cỏi. Nhưng nếu mỗi ngày bạn phải tiêu tốn tâm trí để:

  • Lo người khác nghĩ gì về mình,
  • Giữ một hình ảnh mà chính bạn không còn tin,
  • So sánh mình với tốc độ người khác
  • ...

Thì chẳng cần làm gì nặng nhọc, bạn vẫn thấy như vừa chạy bộ quãng đường dài đến kiệt sức mỗi tối.

🧠 Giống như điện thoại mở quá nhiều ứng dụng nền, tiêu hao ngầm dù không sử dụng, đến cuối ngày điện thoại của bạn cũng sẽ tắt nguồn — không phải vì hoạt động sai, mà vì chưa tắt đúng chỗ. Năng lượng vẫn cứ tiêu hao một cách âm thầm đến lục cạn kiệt mà ta chẳng hề hay biết.

Những đường rò rỉ tâm lý phổ biến khiến bạn kiệt sức:
  1. Những mối quan hệ khiến bạn phải “diễn” quá nhiều.
  2. Những nhóm trò chuyện không còn phù hợp nhưng ngại rời đi.
  3. Những cuộc hội thoại duy trì vì phép lịch sự, nhưng làm bạn mất sạch sự sáng suốt.
  4. Những nhiệm vụ được giao chỉ để “cho có” nhưng vẫn tốn toàn bộ sự chú ý.

Khi bạn duy trì những thứ ấy lâu dài, bạn tưởng rằng mình đang “chịu trách nhiệm” hay “kiên nhẫn”, nhưng thực chất, bạn đang âm thầm bòn rút năng lượng sống để giữ lại một hệ thống đã không còn xứng đáng.

🌸 Học cách đóng lại những đường rò – Là bài học trưởng thành quan trọng nhất

Không phải lúc nào cũng cần mạnh mẽ hơn, chăm chỉ hơn, kỷ luật hơn.

Có khi, điều giúp bạn sống sâu và tỉnh táo nhất lại là:

  • Học cách nói “Không” đúng lúc.
  • Tạm rút khỏi những nơi khiến tâm trí mình rối loạn.
  • Không vội phản hồi những điều sai sự thật về mình.
  • Không cần hiện diện ở những cuộc vui mà bạn không còn vui.

🌸 Ba thực hành nhỏ mỗi ngày để quản lý năng lượng tâm lý

🔹 1. Quét năng lượng buổi tối:

Trước khi ngủ, tự hỏi: “Hôm nay tâm trí mình bị tiêu hao nhiều nhất vì điều gì?”
Viết ra hoặc gọi tên nó. Điều này giúp bạn tăng ý thức về sự rò rỉ và học cách chọn lọc hơn.

🔹 2. Thiết lập “giờ yên” trong ngày:

Tạo một khoảng thời gian (30–60 phút) mỗi ngày không điện thoại, không trò chuyện. Đây là thời gian để tái tạo vùng não kiểm soát cảm xúc và tư duy sâu (theo nghiên cứu của Davidson & Lutz, 2008 về thiền và điều hòa cảm xúc).

🔹 3. Giới hạn số “kênh cảm xúc mở”:

Chỉ chọn 3–5 người/thông tin bạn thực sự muốn theo dõi mỗi ngày. Việc theo dõi quá nhiều nhóm, tin tức, lời đánh giá khiến bộ lọc tâm lý bị quá tải.

Bạn ơi nhớ nhé, không phải là bạn có năng lượng yếu, mà có khi bạn đang đặt tâm trí vào sai trọng tâm

Khi bạn bắt đầu trả lại năng lượng về đúng nơi, bạn sẽ thấy mình sáng suốt, nhẹ nhõm và sống với chất lượng hơn là số lượng.

Tập trung là cách yêu bản thân cao cấp nhất. Và đôi khi, sống trọn vẹn không nằm ở việc làm nhiều hơn — mà là làm ít lại, nhưng chọn đúng việc để làm.

Chúc bạn sống an vui và hạnh phúc.

 - Thạc sĩ tâm lý Hoàng Thị Thuỷ - 

 

📚 Tài liệu tham khảo:

  • Baumeister, R. F., & Tierney, J. (2011). Willpower: Rediscovering the Greatest Human Strength. Penguin Press.
  • Ravikant, N. (2020). The Almanack of Naval Ravikant.
  • Mark, G., Voida, S., & Cardello, A. (2012). A Pace Not Dictated by Electrons: An Empirical Study of Work Without Email.
  • Davidson, R. J., & Lutz, A. (2008). Buddha’s Brain: Neuroplasticity and Meditation. Nature Reviews Neuroscience.

Thạc sĩ tâm lý Hoàng Thị Thuỷ

Sống tích cực, yêu thương và chủ động!