Bài viết

SAU NGÀY HỌP PHỤ HUYNH: CÙNG CON LỚN KHÔN BẰNG TÂM THẾ YÊU THƯƠNG

  • Hoàng Thị Thủy

Quý phụ huynh thân mến,

Tuần vừa rồi, chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ đã trải qua kỳ họp phụ huynh cuối năm học 2024-2025 – một cột mốc quan trọng đánh dấu hành trình học tập của con em chúng ta trong suốt một năm qua. Cùng với những niềm vui, sự tự hào khi con đạt được thành tích tốt, tôi hiểu rằng không ít phụ huynh cũng đang đối mặt với những lo lắng, thất vọng hoặc thậm chí là áp lực khi kết quả học tập của con chưa thực sự như kỳ vọng.

Là một chuyên gia tâm lý đã đồng hành cùng rất nhiều gia đình, tôi thấu hiểu sâu sắc những cảm xúc hỗn độn mà bậc làm cha mẹ đang trải qua. Điều quan trọng nhất lúc này không phải là phán xét kết quả, mà là cách chúng ta, với vai trò là người lớn, sẽ phản ứng và cùng con nhìn về phía trước như thế nào. Và câu trả lời cho câu hỏi ở tiêu đề là: Hoàn toàn có thể, nếu chúng ta bắt đầu bằng sự thấu hiểu chính mình và ứng dụng những kiến thức tâm lý khoa học.

1. MONG RẰNG, PHỤ HUYNH HÃY THẤU HIỂU CHÍNH MÌNH TRƯỚC TIÊN

Trước khi có thể hỗ trợ con, hãy cho phép bản thân được cảm nhận và chấp nhận những cảm xúc của chính mình. Bởi lẽ, khi ta chấp nhận cảm xúc của mình, ta mới có thể vững vàng để nâng đỡ con. Như một quy trình tâm lý, nếu một đứa trẻ nhận được sự khó chịu, chỉ trích sau kết quả, quy trình phản hồi sẽ dễ là sự e dè, sợ hãi, thậm chí là trốn tránh. Ngược lại, nếu quy trình ấy bắt đầu bằng lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận, con sẽ cảm thấy an toàn, được yêu thương, từ đó dễ dàng chia sẻ và hợp tác hơn trong hành trình tìm kiếm giải pháp. Sự bình tĩnh và thấu đáo của cha mẹ chính là nền tảng vững chắc nhất cho sự phát triển của con.

  • Nếu con đạt kết quả tốt: Tuyệt vời! Hãy dành lời khen ngợi chân thành, cụ thể cho những nỗ lực, sự kiên trì của con, không chỉ riêng kết quả. Khen ngợi quá mức về tài năng bẩm sinh có thể vô tình tạo áp lực phải duy trì "tài năng" đó, thay vì khuyến khích con tiếp tục nỗ lực bền bỉ.

  • Nếu con chưa đạt kỳ vọng: Cảm thấy thất vọng là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, hãy tự hỏi: Nỗi thất vọng đó xuất phát từ đâu? Có phải từ kỳ vọng của chúng ta, hay từ những khó khăn thực sự mà con đang gặp phải? Tránh những lời nói như "Con làm mẹ/bố thất vọng quá" hay "Con chẳng bằng bạn này bạn kia". Những câu nói này có thể khoáy sâu hơn tổn thương về lòng tự trọng của con, tạo ra sự xa cách và cảm giác tội lỗi.

Theo nhiều kết quả nghiên cứu về tâm lý, đặc biệt là công trình của Giáo sư Carol Dweck từ Đại học Stanford về "Tư duy phát triển" (Growth Mindset): Thay vì tập trung vào "kết quả" cố định, hãy tập trung vào "quá trình" nỗ lực và "tiềm năng phát triển" của con. Điều này giúp con hiểu rằng năng lực có thể được cải thiện thông qua sự cố gắng, chứ không phải là điều bẩm sinh không thay đổi được. Hãy hít thở sâu, bình tĩnh lại và dành thời gian để lắng nghe chính mình trước khi nói chuyện với con.

2. BƯỚC TRỌNG TÂM: KẾT NỐI VỚI CON: LẮNG NGHE CHỦ ĐỘNG VÀ ĐỒNG CẢM

Sau khi đã bình tâm, hãy tạo ra những khoảnh khắc phù hợp để trò chuyện với con.

  • Bắt đầu bằng sự đồng cảm: "Mẹ/Bố biết con cũng đang có những cảm xúc riêng về kết quả học tập năm nay. Con có muốn chia sẻ với mẹ/bố không?"

  • Lắng nghe không phán xét: Hãy để con nói hết những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Đôi khi, con cần được trút bỏ những áp lực, nỗi sợ hãi mà con đang gánh chịu. Đừng ngắt lời hay đưa ra lời khuyên ngay lập tức.

  • Xác nhận cảm xúc của con: "Mẹ/Bố hiểu rằng con cảm thấy buồn/thất vọng/lo lắng..." Việc xác nhận cảm xúc giúp con cảm thấy được thấu hiểu và an toàn để chia sẻ.

  • Hỏi về góc nhìn của con: "Con nghĩ điều gì đã khiến con gặp khó khăn trong môn học này?", "Con có nghĩ rằng có điều gì đó có thể giúp con tốt hơn không?".

3. BƯỚC QUYẾT ĐỊNH: GỢI MỞ THỰC TIỄN & ỨNG DỤNG KHOA HỌC TÂM LÝ ĐỂ CÙNG CON PHÁT TRIỂN

Sau khi đã thấu hiểu tâm lý và kết nối với con, đây là lúc chúng ta cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động thực tế:

  • Áp dụng "Tư duy phát triển" (Growth Mindset): Tiếp nối từ nghiên cứu của Giáo sư Carol Dweck, thay vì nói "Con kém môn Toán quá", hãy định hướng con theo tư duy "Môn Toán này đang là thử thách với con, nhưng con hoàn toàn có thể học hỏi và cải thiện được". Khuyến khích con nhìn nhận những thất bại là cơ hội để học hỏi, không phải là giới hạn năng lực.

  • Thiết lập mục tiêu nhỏ, cụ thể và khả thi: Cùng con đặt ra những mục tiêu cho năm học tới, ví dụ: "Trong học kỳ tới, con sẽ dành thêm 30 phút mỗi ngày để ôn tập môn tiếng Anh và nhờ cô giáo hỗ trợ những phần chưa hiểu rõ".

  • Tìm hiểu "phong cách học tập" của con: Mỗi đứa trẻ có một cách tiếp thu kiến thức khác nhau (nghe, nhìn, vận động...). Phụ huynh có thể cho con làm thêm trắc nghiệm tâm lý để tham khảo thêm về kênh học tập hiệu quả với con. (Ví dụ: Con học tốt hơn khi có hình ảnh minh họa? Hay khi được nghe giảng? Hay khi được thực hành? Hay cần kết hợp theo trình tự nào sẽ hiệu quả?).

  • Tăng cường "tự chủ" và "trách nhiệm": Thay vì áp đặt, hãy để con tham gia vào quá trình quyết định. "Con nghĩ mình cần sự giúp đỡ ở đâu?", "Con muốn bắt đầu từ môn học nào trước?". Khi con được tự chủ, con sẽ có động lực và trách nhiệm hơn với việc học của mình.

  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất: Đảm bảo con có đủ giấc ngủ, dinh dưỡng hợp lý và thời gian vui chơi giải trí. Áp lực học tập quá mức có thể gây căng thẳng, lo âu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất học tập và sự phát triển toàn diện của con.

  • Vai trò của "gia đình": Gia đình là điểm tựa vững chắc nhất. Hãy tạo một không khí ấm áp, yêu thương, nơi con cảm thấy an toàn để chia sẻ mọi điều, kể cả những thất bại. Dành thời gian chất lượng cho con, dù chỉ là những bữa ăn chung, những cuộc trò chuyện ngắn hay những hoạt động vui chơi cùng nhau.

Kết quả học tập chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn về sự phát triển của con. Điều quan trọng nhất là chúng ta đã cùng con trải qua hành trình đó như thế nào, đã trao cho con những bài học về sự kiên cường, về tình yêu thương và sự chấp nhận ra sao.

Mong phụ huynh có thể hiểu rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc đáo với tiềm năng vô hạn. Với sự đồng hành của phụ huynh trên nền tảng của tình yêu thương, sự thấu hiểu và ứng dụng khoa học tâm lý, Hoàng Thủy tin rằng con em chúng ta sẽ không ngừng lớn khôn, phát triển toàn diện và tự tin bước vào những chặng đường mới.

Nếu Bố mẹ cảm thấy cần sự hỗ trợ sâu hơn để đồng hành cùng con, Hoàng Thủy sẽ đồng hành 1:1 cùng phụ huynh để cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu cho con yêu.

Thân mến,

Ths. Hoàng Thị Thủy – Đồng hành cùng phụ huynh trên hành trình nuôi dưỡng nội lực cho con

Thạc sĩ tâm lý Hoàng Thị Thuỷ

Sống tích cực, yêu thương và chủ động!