
KỸ NĂNG GIAO TIẾP ĐỈNH CAO - QUAN SÁT NĂNG LƯỢNG | TÂM LÝ HỌC TÍCH CỰC
NGHỆ THUẬT HIỆN DIỆN KHÔNG GÂY MỆT MỎI
Không phải ai khiến ta mệt đều là người xấu. Nhưng có những mối quan hệ khiến ta tiêu hao từng chút một, dù không có tranh cãi, tổn thương rõ ràng, cũng không có sự lạm dụng nào. Chỉ đơn giản là: ở gần họ, mình cảm thấy mệt. Và mệt – chính là một dạng chi phí. Không hiện trên hóa đơn, không ghi trong sổ nợ, nhưng nó vẫn được tâm trí và cơ thể âm thầm ghi lại.
1. Mỗi lần cố giữ hòa khí – là một đơn vị năng lượng mất đi
Khoa học tâm lý cho thấy, não bộ con người chỉ có thể xử lý một lượng cảm xúc nhất định mỗi ngày. Việc phải lựa lời, phải kiềm chế, phải giữ mình trong trạng thái “đừng làm ai phật ý” tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng tích lũy lâu dài sẽ tạo ra một áp lực nội tâm kéo dài, dẫn đến kiệt sức tinh thần.
Các nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học xã hội cho thấy, những mối quan hệ tiêu hao cảm xúc – dù không có xung đột rõ ràng – vẫn có thể làm giảm đáng kể mức năng lượng tinh thần và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý.
Cụ thể, nghiên cứu của Brown và Ryan (2003) tại Đại học Rochester cho thấy: khi con người phải liên tục điều chỉnh cảm xúc và kiểm soát phản ứng để “giữ hòa khí” trong các tương tác xã hội, hệ thần kinh sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng xử lý, làm giảm khả năng hiện diện một cách tự nhiên và làm tăng cảm giác căng thẳng nội tâm.
Hơn nữa, theo báo cáo của Berkeley Social Interactions Lab (2019), sự hiện diện trong những mối quan hệ thiếu an toàn hoặc chứa nhiều kỳ vọng ngầm thường dẫn đến trạng thái “emotional fatigue” – tức là mệt mỏi cảm xúc kéo dài, có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng, năng lực làm việc và thậm chí làm suy giảm khả năng kết nối xã hội về lâu dài.
Như vậy, những mối quan hệ tiêu tốn nhiều cảm xúc khiến người trong cuộc dễ rơi vào trạng thái mất năng lượng xã hội, và có nguy cơ cao phát sinh các rối loạn tâm lý nhẹ như lo âu, căng thẳng mãn tính, thậm chí là trầm cảm âm ỉ.
2. Càng trưởng thành, chúng ta càng trân quý sự bình yên
Người trưởng thành không còn chọn bạn vì ồn ào náo nhiệt, cũng không cần những người hoàn hảo. Họ chọn ở gần người khiến mình cảm thấy nhẹ nhõm. Người không nói vòng vo. Không mang theo kỳ vọng ngầm. Không khiến người đối diện phải luôn đề phòng hay điều chỉnh cảm xúc.
Sự bình yên, cùng với năng lượng và thời gian – chính là ba tài sản tinh thần quý giá nhất mà người trưởng thành luôn phải cân nhắc kỹ càng khi trao đi.
3. Tốt thôi là chưa đủ, quan trọng chúng ta có làm nhau mệt hay không
Một mối quan hệ bền vững không chỉ dựa vào tình cảm, mà còn ở chỗ có làm nhau kiệt sức hay không. Bạn có thể rất giỏi, rất chân thành, nhưng nếu mỗi lần xuất hiện là một lần khiến người khác phải gồng mình chịu đựng, thì vô hình trung, bạn đang trở thành một khoản chi tiêu mà người ta không còn đủ sức đầu tư tiếp.
Không ai nói ra. Nhưng trong lòng ai cũng đang âm thầm tính toán:
“Mối quan hệ này đang khiến mình hao tổn bao nhiêu?”
“Liệu có xứng đáng để duy trì nữa không?”
4. Tử tế không chỉ là cho đi, mà còn là bớt gây tiêu hao
Tử tế không chỉ là việc bạn giúp đỡ bao nhiêu người, nói những lời hay ho ra sao.
Tử tế còn là khi bạn biết im lặng đúng lúc, không làm nặng thêm không khí, và không khiến người khác phải căng lên mỗi lần gặp bạn.
Có người khiến căn phòng trở nên ấm áp khi bước vào.
Cũng có người khiến căn phòng nhẹ đi khi họ bước ra.
Vấn đề không phải là bạn đi hay ở.
Mà là cảm giác gì còn lại sau sự hiện diện của bạn? Nếu bạn để lại năng lượng tích cực, bạn đã nắm bắt tốt nghệ thuật giao tiếp đỉnh cao.
5. Nếu năng lượng đầu tư vào nơi bạn quá đắt – khó có ai còn đủ sức để ở lại
Nếu sau mỗi lần tiếp xúc, người ta cần thời gian để “hồi phục năng lượng”, thì dù bạn không sai, bạn vẫn đang là một mối quan hệ gây áp lực cao. Khoa học tâm lý khẳng định: những mối quan hệ khiến người ta mất đi cảm giác an toàn, tự do và nhẹ nhàng, sẽ bị rút lui dần – không phải vì giận, mà vì mệt.
Không ai nói thẳng, nhưng họ sẽ bớt trả lời tin nhắn, ít muốn gặp mặt, ít còn thân thiết. Bởi vì đơn giản: bạn đang quá đắt – theo một cách mà không ai còn đủ sức chi trả nữa.
Nếu bạn dành tâm để quan sát lại các mối quan hệ xung quanh, bạn sẽ có đáp án cho cách giao tiếp của mình.
6. Học cách hiện diện một cách dễ chịu bên cạnh các mối quan hệ
Bạn có thể bắt đầu từ điều nhỏ đơn giản như:
- Nói điều cần nói, không quá vòng vo.
- Lắng nghe khi người khác mệt, hạn chế tối da việc chen vào hoặc cho lời khuyên vội vã.
- Biết lùi lại khi bạn cảm thấy không khí đang căng.
- Chọn cách sống bình tĩnh, ôn hoà và đầy ôn nhu khi đối diện với những dữ kiện của cuộc sống.
Đôi khi, chỉ cần ở bên cạnh mà không khiến nhau kiệt sức, cũng đã là một dạng tình yêu tử tế và nhân hậu.
Trong một thế giới đầy nhiễu động, sự dễ chịu chính là món quà tinh thần quý giá mà bạn có thể trao cho người bên cạnh.
Chúc bạn luôn bình an và hạnh phúc.
- Thạc sĩ tâm lý Hoàng Thị Thuỷ -
Tài liệu tham khảo
· Susan David. (2016). Emotional Agility: Get Unstuck, Embrace Change, and Thrive in Work and Life. Avery.
· Miceli, M., & Castelfranchi, C. (2005). Expectancy and Emotion. Motivation and Emotion, 29(3).
· Brown, K. W., & Ryan, R. M. (2003). The benefits of being present: Mindfulness and its role in psychological well-being. Journal of Personality and Social Psychology, 84(4), 822.
· Gallup Global Emotions Report (2022).
· Berkeley Social Interactions Lab. (2019). Emotional Cost of Social Engagements.